Vũng Tàu xử lý công trình xây dựng vượt tầng thiếu kiên quyết

Ngày đăng: 06/02/2020

Công trình xây dựng nằm trong dự án nhà ở trên địa bàn TP.Vũng Tàu chỉ được xây tối đa 3-4 tầng, nhưng thời gian gần đây, nhiều chủ công trình cố tình xây 6-8 tầng nhằm mục đích kinh doanh nhà nghỉ và cho thuê khách sạn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa kiên quyết trong việc xử lý các công trình vi phạm.

Cấm cứ cấm, xây cứ xây

TP.Vũng Tàu hiện có 48 dự án nhà ở như: Á Châu (phường 2), Bến Đình, Sao Mai-Bến Đình, Decoimex (phường 9), Trung tâm đô thị Chí Linh (phường 10)…Công trình trong các dự án này phải xây dựng theo mẫu thiết kế được duyệt và được thỏa thuận với chiều cao từ 3-4 tầng. Chiều cao này là do chính chủ dự án đề nghị và là chiều cao thông dụng nhất đối với công trình nhà ở liên kế, phù hợp nhu cầu, diện tích cho công trình sử dụng với chức năng nhà ở.

Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, các công trình này được miễn Giấy phép xây dựng, nhưng phải xây theo đúng mẫu thiết kế được duyệt. Các trường hợp có nhu cầu điều chỉnh mẫu thiết kế thì phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Quy định là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo BRVT, tình trạng các công trình xây dựng vượt số tầng cho phép trên địa bàn thành phố diễn ra khá phổ biến, trong đó nhiều nhất là ở khu Á Châu (phường 2). Tại khu vực này, chiều cao tối đa cho phép nhà ở chỉ 3-4 tầng, nhưng nhiều chủ công trình tự ý nâng thành 6-8 tầng để kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn. Bên cạnh những công trình vi phạm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu, cũng có không ít công trình đang xây thêm tầng thì bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Gần đây nhất, ngày 10-3-2016, cơ quan chức năng đã tạm giữ một số tang vật vi phạm, đồng thời cắt điện, nước đối với 7 công trình ở khu Á Châu, gồm: K11, H12, B29, C17, L1, L9 và L14 do xây vượt 3-5 tầng (các lô trong khu này chỉ được xây tối đa 3 tầng, riêng lô L được xây 4 tầng). Không chỉ ở khu Á Châu mà khu Trung tâm đô thị Chí Linh cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhưng các trường hợp vi phạm ít hơn và quy mô vượt tầng thấp hơn (từ 3 tầng nâng thành 5-6 tầng).

Điển hình là công trình 2 lô liền kề E4-2/1 và lô E4-2/2 do bà Trịnh Thị Tuyết làm chủ, ngày 27-2-2016 đã bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện xây vượt 3 tầng so với quy định.

Công trình xây dựng

Xử lý trên giấy

Trao đổi với phóng viên Báo BRVT, ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP.Vũng Tàu cho biết, nhà nước đã có đầy đủ lực lượng chức năng và công cụ để làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Cụ thể, chính quyền địa phương có quyền tổ chức đoàn kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, đình chỉ thi công, xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Luật Xây dựng cũng quy định rõ cơ quan công an phường, xã, cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước có quyền áp dụng các biện pháp: cấm đưa người, vật tư, phương tiện vào khu vực thi công, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vừa qua, các lực lượng này chưa phối hợp thường xuyên, có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm…dẫn tới việc xử lý các công trình vi phạm thiếu kiên quyết.

Hầu hết các trường hợp vi phạm về xây vượt số tầng theo quy định ở các dự án nhà ở từ trước đến nay đều được phát hiện, ngăn chặn, đình chỉ thi công và xử phạt vi phạm hành chính ngay từ đầu. Thế nhưng, nhiều trường hợp chỉ xử lý trên văn bản, còn thực tế chủ công trình không chấp hành nội dung xử phạt. Nguyên nhân là do cơ quan chức năng chưa áp dụng biện pháp chế tài, để cho chủ đầu tư tiếp tục sử dụng điện, nước, đưa người, vật tư và phương tiện vào khu vực thi công công trình.

Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên báo BRVT ghi nhận, các chủ công trình xây vượt tầng bị phát hiện gần đây đều thừa nhận việc xây vượt tầng này là sai và đã chấp hành nộp phạt. Nhưng tự tháo dỡ công trình vi phạm thì nhà này nhìn nhà kia, không ai làm, không ai muốn tháo vì trước đây có nhiều nhà xây vượt tầng đưa vào sử dụng nhiều năm mà chính quyền vẫn cho tồn tại.

Trả lời thắc mắc đó, ông Hoàng Xuân Nguyễn khẳng định: “Đối với các trường hợp vi phạm xây vượt tầng trên địa bàn thành phố, dù mới hay cũ, thành phố cũng cương quyết xử lý, yêu cầu chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần công trình vi phạm để hạ tầng, trường hợp không thực hiện thì phải cưỡng chế tháo dỡ theo quy định”.

Có nên điều chỉnh lại mẫu thiết kế?

Có ý kiến cho rằng, chính quyền và cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh lại quy định về số tầng ở các dự án nhà ở cho hợp lý. Về vấn đề này, Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu cho hay, các dự án nhà ở đã được chủ đầu tư khảo sát, lập đồ án và được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, thỏa thuận thiết kế kiến trúc, mẫu nhà ở từ hàng chục năm trước. Tại thời điểm đó, quy mô chiều cao của công trình từ 3-4 tầng là phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của thành phố và thu nhập của người dân.

Nhưng hiện nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, thu nhập bình quân của người dân được nâng lên, thì quy mô chiều cao của công trình theo dự án trước đây không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, việc xem xét và cho điều chỉnh các mẫu thiết kế để công trình vượt tầng được tồn tại thì vẫn phải căn cứ trên các quy định pháp luật như Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc TP.Vũng Tàu, sự đồng bộ về kiến trúc tại khu vực.

Để thực hiện việc này, thành phố sẽ tổ chức thành lập đoàn kiểm tra và thống nhất quan điểm với các Sở: Xây dựng, TN-MT, Tài chính, KH-ĐT, trên cơ sở đó, có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

0978 38 44 38
chat 0978384438